gyeongju-city-02

Cố đô Gyeongju – Hàn Quốc

Tháng Tám 26, 2013
Địa Điểm Du Lịch

gyeongju-city-02Gyeongju là cố đô của Hàn Quốc dưới triều đại Silla (57 TCN – 935 SCN). Vương triều Silla đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh cổ Triều Tiên khi lần đầu tiên thống nhất được gần trọn vẹn đất nước vào thế kỷ thứ 7

Gyeongju là cố đô của Hàn Quốc dưới triều đại Silla (57 TCN – 935 SCN). Vương triều Silla đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh cổ Triều Tiên khi lần đầu tiên thống nhất được gần trọn vẹn đất nước vào thế kỷ thứ 7. Cố đô Gyeongju trở thành một trong những kinh thành lớn nhất thế giới với những khu vườn và những ngôi chùa nổi tiếng khắp vùng Viễn Đông. Các nhà sử học cho rằng, cũng như Đế chế La Mã, vương triều Silla – sau gần 10 thế kỷ tồn tại, vang bóng, suy yếu và sụp đổ –  đã để lại một tầm ảnh hưởng về văn hoá vang vọng mãi về sau.

Cách thành phố Pusan chừng gần 2 giờ xe chạy về phía đông bắc, Gyeongju thực sự là một báu vật của Hàn Quốc với những con đường như những dải lụa rợp bóng cây, những ngôi nhà cổ nằm rải rác hai bên đường và một không khí đượm chất hoài cổ. Khi chúng tôi đến, tiết trời là cuối xuân, nhưng những khóm hoa vàng, trắng, tím, đỏ… vẫn nổi bật trên những thảm cỏ xanh  bên đường.

gyeongju-city-02

Hiện cố đô Gyeongju là nơi chứa đựng 3 di sản văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng: Quần thể tu viện Phật giáo Bulguksa và hang Phật Seukguram; Vườn quốc gia Gyeongju với vô số di tích còn sót lại từ thời Silla và làng Yangdong – một bảo tàng sống về nơi cư dân sinh sống từ thời Joseon cổ xưa.

Gyeongju

Tu viện Phật giáo Bulguksa. Viên ngọc của cổ nhân xứ Hàn này nằm trên triền núi Tohamsan linh thiêng. Dưới triều Silla, giai tầng xã hội chia thành 4 cấp bậc rõ rệt: Vua, hoàng tộc và sư sãi ở cấp bậc cao nhất, sau đó là giới quý tộc, giới bình dân và người nghèo. Chính vì sư sãi được coi là ngang hàng với vua nên Bulguksa là những tòa ngang dãy dọc như một cung điện. Tất cả các cột và mái vòm cũng được trang trí hoa văn với hai màu xanh đỏ tượng trưng cho trời và đất.

Bulguka có nghĩa là “Ngôi chùa của đất nước đạo Phật”, được hoàn thành vào năm 774. Vua Silla tin rằng vương quốc của ngài là một thiên đường Phật giáo dưới trần gian. Quả thật, quần thể di tích này mang đến cho du khách một cảm nhận rất riêng biệt: Nó vẫn giữ được vẻ linh thiêng của một chốn thờ tự, nhưng lại mang đến một sự giải thoát tinh thần đến bất ngờ – theo một nghĩa nào đó. Điều này, có lẽ do vị trí của Bulguksa quá đắc địa và được bao bọc bởi một thảm thực vật phong phú, trong đó, nổi bật là những cây phong lá nhỏ, luôn thay đổi màu sắc theo mùa.

gyeongju-city-03

Phía nam thành phố giống như một bảo tàng ngoài trời với những hầm mộ cổ, những tàn tích của các cố cung, những vườn cảnh và những chứng tích khác của một nền văn minh rực rỡ trong quá khứ. Một trong những chứng tích hiếm hoi còn tồn tại đến ngày hôm nay là ao Anapji (ao sen). Anapji nằm trong cố cung và gắn bó với nhiều đời vua triều Silla, kể từ năm 674 vua Mummu ban lệnh xây dựng để làm nơi tiếp tân ngoại giao.

Khi trời chuyển chiều muộn, bờ ao và các mái đình được thắp sáng tạo nên một trong những cảnh đêm vô cùng diễm lệ, thu hút không biết bao du khách và nhà nhiếp ảnh. Sức hấp dẫn của Anapji lớn đến mức người ta đã làm một bản sao dạng sa bàn, đặt ở bảo tàng quốc gia Gyeongju. Cố cung, nơi Anapji tọa lạc  giờ chỉ còn những nền móng một vài tòa nhà. Một bản sao của cung điện đã được dựng lên ở đó từ với tỉ lệ 1/500 có kích thước chiều dài 5,6 mét và chiều rộng hơn 4 mét cho thấy sự hoành tráng của cung điện ở cỡ nào.

Cheomseongdae

Tháp đá Cheomseongdae – đài thiên văn lâu đời nhất còn tồn tại ở châu Á – được xây dựng ngay sau khi triều đại Silla thống nhất được Triều Tiên từ thế kỷ thứ 7, những tàn tích còn lại của chùa Hwangnyongsa – một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất ở châu Á, chùa đá Bunhwangsa, làng cổ Yangdong, bảo tàng quốc gia Gyeongju – nơi lưu giữ phần lớn những câu chuyện lịch sử cùng những báu vật của Gyeongju… là những địa điểm không thể không đặt chân đến khi về với cố đô Gyeongju.

Ở thành phố cố đô này, các nhà cầm quyền có chính sách quản l‎ý và bảo tồn di sản rất chặt chẽ. Mọi công trình kiến trúc phải tuân thủ quy định về chiều cao, thiết kế, kiểu tường, ngói lợp… để không phá vỡ cảnh quan chung.

Chẳng cần kỹ tính cũng có thể nhận ra nét tương đồng giữa mọi công trình kiến trúc nơi đây: từ khách sạn, nhà ở, cửa hàng, siêu thị, cho tới trạm xăng… cùng màu sắc, kiểu dáng, mái lợp ngói cổ… Nét văn minh hiện đại cùng hòa trộn với văn hóa cổ dân tộc là minh chứng cụ thể cho thấy kết quả cũng những nỗ lực bảo tồn đầy hiệu quả.

theo laodong.com.vn